Khám phá 10 công trình kiến trúc Pháp cổ nổi tiếng tại Hà Nội

Kiến trúc Pháp cổ đã để lại dấu ấn sâu đậm trên đất Việt, trở thành nền tảng cho sự ra đời của nhiều phong cách độc đáo như Tân cổ điển, Đông Dương, Art Decor, Neo – Gothic… Sự phân hoá này không chỉ phản ánh quá trình phát triển của kiến trúc Pháp qua các thời kỳ mà còn cho thấy tính ứng dụng cao trong các công trình thực tế.

Kiến trúc Pháp cổ
Kiến trúc Pháp phân hoá thành nhiều phong cách và ảnh hưởng sâu rộng đến công trình tại Việt Nam

Phủ Chủ tịch

Là nơi làm việc và sinh sống của nhiều thế hệ lãnh đạo đất nước, Phủ Chủ tịch đã trở thành điểm đến mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Toà nhà nằm trong khuôn viên khu Phủ Chủ tịch, gần Quảng trường Ba Đình và lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và Charles Lichtenfelder. Quá trình khởi công xây dựng tiến hành từ năm 1901 – 1906. 

Phủ Chủ tịch là dinh thự lớn nhất được Pháp xây dựng ở Đông Dương với sự hoành tráng và uy nghiêm. Tòa nhà gồm 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, thể hiện sự xa hoa và tinh tế của kiến trúc Pháp thời kỳ đó.

Công trình mang đậm dấu ấn của phong cách Phục Hưng với thiết kế đối xứng kết hợp đường nét hoa văn trang trí cầu kỳ và hệ thống các cột trụ, mái vòm lớn. 

Kiến trúc Pháp cổ
Khu nhà được phủ sơn vàng cổ điển, kết cấu đối xứng tạo nên vẻ trang nghiêm

Với kiến trúc độc đáo cùng giá trị lịch sử sâu sắc, Phủ Chủ tịch là địa điểm không thể bỏ qua khi đến thăm quan Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia nằm ở số 1 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm), tiền thân là Bảo tàng Louis Finot, thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Tòa nhà được tiến hành xây dựng từ năm 1926 – 1932 theo thiết kế của kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard.

Kiến trúc Pháp cổ
Bảo tàng được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc Pháp và phong cách Á Đông

Công trình mang dấu ấn của kiến trúc tân cổ điển Pháp, khéo léo kết hợp các yếu tố Á Đông như mái ngói, họa tiết trang trí hoa lá,… tạo nên tổng thể hài hòa, đẹp mắt.

Phía trong bảo tàng là các phòng được bố trí khoa học, trưng bày các hiện vật lịch sử quý giá, tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Phía sau là vườn tượng dùng để bày trí các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội tọa lạc tại số 1A, phố Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911. Thiết kế của nhà hát được thực hiện bởi kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu.

Nhà hát lớn Hà Nội được lấy cảm hứng từ Nhà hát Opera Paris nhưng có quy mô nhỏ hơn. Toà nhà cũng mang nhiều nét đặc trưng của các nhà hát lớn ở miền Nam nước Pháp, đồng thời sử dụng các vật liệu xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế và khí hậu địa phương. 

Từ cách bố trí kiểu dáng móng ngựa cho phòng lớn, lối vào sảnh chính đến cầu thang lớn và các không gian hỗ trợ sân khấu đều có kết cấu tương tự như các nhà hát ở châu Âu vào đầu thế kỷ XX.

Kiến trúc Pháp cổ
Thiết kế của tòa nhà mang đậm dấu ấn của phong cách châu u đầu thế kỷ XX

Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là kiến trúc độc đáo mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng của đất nước.

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên được khánh thành vào năm 1902 với tên gọi Paul Doumer. Cây cầu mang phong cách kiến trúc công nghiệp của Pháp cuối thế kỷ 19 với kết cấu lắp ghép thép tinh xảo.

Cầu Long Biên dài 2290m, được thiết kế theo kiểu vòm thép. Cầu có 19 nhịp được đặt trên 20 trụ, mỗi trụ có chiều cao hơn 40m. Phần giữa cầu là đường sắt đơn dành cho tàu hỏa di chuyển, 2 bên cầu còn lại là đường dành cho phương tiện cơ giới và người đi bộ.

Kiến trúc Pháp cổ
Cầu Long Biên có kiểu dáng cổ kính đồng thời là tuyến giao thông huyết mạch của thủ đô

Cầu Long Biên không chỉ là công trình giao thông quan trọng mà còn là di sản văn hóa mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội. 

Ga Hà Nội

Năm 1898, Ga Hà Nội được xây dựng tại giao lộ Trần Hưng Đạo và Lê Duẩn. Công trình hoàn thành vào năm 1902 với tên Ga Trung tâm Hà Nội, đánh dấu cột mốc quan trọng cho giao thông vận tải thủ đô.

Nhà ga mang dấu ấn của kiến trúc Pháp cổ điển với mái dốc đứng, sảnh chính ba tầng và chiếc đồng hồ tạo điểm nhấn ở mặt trước. Vào thời điểm đó, ga Hà Nội được coi là một trong những công trình ga tàu hiện đại nhất Đông Nam Á.

Kiến trúc Pháp cổ
Khu nhà được thiết kế với nhiều cửa sổ và hệ thống cột trụ vững chắc

Ngày nay, ga Hà Nội vẫn là trung tâm giao thông sôi động của Việt Nam, kết nối đến mọi miền đất nước. Nhà ga đã nâng cấp trang thiết bị hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của phong cách Pháp.

Tòa soạn báo Hà Nội Mới 

Tòa soạn báo Hà Nội Mới có địa chỉ tại số 44 Lê Thái Tổ, được xây dựng vào năm 1893 theo phong cách kiến trúc Pháp thời kỳ thuộc địa.

Tòa soạn nổi bật với cấu trúc ba tầng chính và một tầng áp mái, sơn màu vàng nhạt. Kiến trúc kiểu Pháp của tòa nhà vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, tạo nên một vẻ đẹp cổ điển và thanh lịch. 

Ở phía bên trái toà nhà có một bảng tin rộng khoảng 2 mét là nơi dán các số báo phát hành hàng ngày, giúp người dân thủ đô dễ dàng tiếp cận và đọc tin tức mới nhất.

Kiến trúc Pháp cổ
Các chi tiết của toà nhà được thiết kế với đường nét thanh thoát, hài hòa và bố cục cân đối

Với phong cách hoài cổ, tòa soạn báo Hà Nội Mới không chỉ là trung tâm tin tức mà còn là điểm check-in nổi tiếng, thu hút sự chú ý của giới trẻ và du khách khi đến thăm Hà Nội.

Bốt Hàng Đậu – Ba Đình

Tháp nước Hàng Đậu là kiến trúc cổ được thi công vào năm 1894. Trong thời kỳ đô hộ, công trình này có mục đích cấp nước sạch cho binh lính và quân của Pháp.

Bốt Hàng Đậu có hình dạng trụ tròn với đường kính 19m, cao ba tầng, nổi bật với mái chóp nón và cột thu lôi ở giữa. Đỉnh của tháp được trang bị một đài nước khổng lồ bằng thép có dung tích lên tới 1.250m³, đặt vững trên tám bức tường đá. 

Cấu trúc bốt bao gồm 12 khoang: 8 khoang lớn nằm ở phía ngoài và 4 khoang nhỏ hơn ở phía trong. Hiện tại, tháp đã được cải tạo để phục vụ mục đích trưng bày với chủ đề “Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu”

Kiến trúc Pháp cổ
Trải qua nhiều năm, công trình vẫn giữ được hầu hết các đặc điểm nguyên bản, ngoại trừ 17 cửa sổ ở tầng 1 đã được bịt kín

Trường THPT Chu Văn An

Được thành lập từ năm 1908, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An là một trong những ngôi trường có truyền thống lâu đời nhất trong nền giáo dục Việt Nam. Trường học có kiểu dáng xây dựng ấn tượng, mang đậm ảnh hưởng của người Pháp. 

Trong số các công trình kiến trúc cổ thuộc khuôn viên nhà trường, Nhà Bát Giác là biểu tượng nổi bật nhất. Sau nhiều năm bị xuống cấp, toà nhà đã được phục hồi và hiện đang là thư viện của trường từ năm 1999. 

Kiến trúc Pháp cổ
Với vẻ đẹp kiến trúc đặc biệt, Nhà Bát Giác trở thành một điểm nhấn nổi bật bên bờ hồ Tây

Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao 

Tòa án nhân dân tối cao thành phố Hà Nội có tên gọi cũ là Tòa Thượng thẩm, được tiến hành xây dựng từ năm 1906 – 1911 do kiến trúc sư A.Henri Vildieu thiết kế.

Phong cách kiến trúc tân cổ điển của khu nhà được thể hiện rõ nét: bên trong và bên ngoài tòa nhà được phủ bằng lớp vữa trát dày, tường được trang trí với nhiều hoa mềm mại. Cùng với đó, các kiến trúc sư người Pháp đã chú trọng vào sự chính xác trong các trục đối xứng, lặp đi lặp lại hệ thống cấu trúc “dầm, cột” theo kiểu dáng cổ điển.

Kiến trúc Pháp cổ
Trụ sở bao gồm 5 tầng, mặt bằng bố trí đối xứng qua trục trung tâm tạo nên vẻ trang nghiêm và đồ sộ

Nhà khách Chính phủ

Nhà khách Chính phủ tọa lạc tại số 12 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm), công trình xây dựng vào năm 1918 trên nền đất của chùa Báo Ân xưa. 

Đây là di tích lịch sử đặc biệt của thành phố khi ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của nhân dân Thủ đô vào năm 1945. Đặc biệt, Nhà khách Chính phủ hay Bắc Bộ phủ còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống và làm việc sau Cách mạng Tháng Tám.

Tòa nhà có thiết kế mặt bằng và mặt đứng cân xứng đặc trưng theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp. Toàn bộ công trình còn được trang trí bằng các chi tiết kiến trúc tinh tế mang đậm ảnh hưởng Châu Âu.

Kiến trúc Pháp cổ
Nhà khách Chính phủ được xây dựng theo kiểu dáng đối xứng, mang vẻ cổ kính và đẹp mắt

Kiến trúc Pháp cổ không chỉ nổi bật về tính thẩm mỹ cao mà còn thể hiện sự linh hoạt trong việc ứng dụng vào nhiều loại hình công trình. Từ các công trình công cộng đến các tòa nhà dân dụng, kiến trúc Pháp cổ đều đáp ứng được các yêu cầu về công năng đồng thời tạo nên những không gian tiện nghi và sang trọng.

Tác giả

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one
0949.788.666